HẢI PHÒNG Các cơ sở lồng bè đã sửa chữa, đóng mới theo phương án truyền thống ở Cát Bà được gia hạn tới năm 2025 nhưng phải đáp ứng được các tiêu chí theo quy định

Có 83 hộ dân cải hoán, sửa chữa hoặc làm mới lồng bè nuôi thủy sản theo phương án truyền thống tại các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.
Thông tin với Báo Nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo UBND huyện Cát Hải cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng về việc rà soát, chấp thuận các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, địa phương đã kiểm tra kỹ 83 cá nhân liên quan và tổ chức giám sát chặt chẽ các cơ sở trong quá trình thực hiện sửa chữa, nâng cấp lồng bè.
Bên cạnh đó, đã phối hợp với Sở TN-MT Hải Phòng và các cơ quan liên quan kiểm tra đánh giá hệ thống xử lý chất thải sinh hoạt của các bè nuôi trồng thủy sản cũng như hướng dẫn, kiểm tra quá trình giao khu vực biển cho các cá nhân và quản lý khu vực biển theo đảm bảo theo đúng quy định.
Đến nay, cơ bản các hộ đã thực hiện đúng theo yêu cầu của UBND TP Hải Phòng, chỉ còn 18 hộ đang hoàn thiện hệ thống nhà vệ sinh, thu gom nước thải sinh hoạt theo tiêu chí “nước thải được xử lý đạt QCVN 14-2008, cột B trở lên trước khi thải ra môi trường”.
“Đây là các hộ đã đóng mới, sửa chữa, cải hoán lồng bè nuôi thủy sản trước khi đề án của thành phố được phê duyệt. Sau khi được gia hạn, các hộ dân rất phấn khởi, đã bắt tay vào thực hiện các nội dung theo yêu cầu và nuôi thủy sản. Với các hộ còn lại, dự kiến sẽ hoàn thiện xong trong tháng 3/2024”, một lãnh đạo UBND huyện Cát Hải thông tin.

Tiền hỗ trợ di dời lồng bè của thành phố Hải Phòng cơ bản được người dân bỏ ra để cải hoán, sửa chữa lồng bè theo phương án truyền thống. Ảnh: Đinh Mười.
Liên quan đến nội dung này, chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đinh Như Đang – một hộ nuôi cá lồng bè ở Cát Bà cho biết, gia đình ông đã bỏ ra hơn 500 triệu đồng để thực hiện cải hoán, sửa chữa lồng bè sau khi được hỗ trợ theo Nghị quyết số 05 ban hành năm 2021 của HĐND TP Hải Phòng.
Sau này, khi đề án án nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà được thông qua, gia đình ông cùng hơn 80 hộ dân đã trót sửa chữa, đóng mới lồng bè theo phương án truyền thống đã lo lắng “mất trắng” số tiền đã bỏ ra khi phải thực hiện theo quy chuẩn mới.
Tuy vậy, khi được gia hạn thêm thời hạn, gia đình ông đã phấn khởi bỏ thêm hơn 400 triệu đồng nữa để hoàn thiện các yêu cầu của cơ quan chức năng về diện tích bè, số ô lồng nuôi, diện tích nhà chòi, vấn đề môi trường,…
“Vì số tiền bỏ ra để cải hoán, sửa chữa lồng bè rất lớn nên sau khi thành phố Hải Phòng đồng ý cho gia hạn đến năm 2025 chúng tôi mừng lắm. Hiện tại gia đình tôi đang nuôi khoảng 40 tấn cá, giá cả thị trường ổn định. Mong rằng đến thời hạn, chúng tôi sẽ có đủ tiền để vừa bù chi phí đã sửa chữa, vừa có thể thực hiện đóng mới các lồng bè theo yêu cầu để tiếp tục sinh nhai”, ông Đang bày tỏ.

Người dân đã nuôi cá ổn định trở lại. Ảnh: Đinh Mười.
Trước đó, ngày 7/7/2023, trên cơ sở đề nghị của Sở NN-PTNT, ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã đồng ý cho 83 trường hợp là chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè đã thực hiện sửa chữa, cải hoán theo phương án truyền thống (sử dụng phuy nhựa kết hợp gỗ) trước ngày 18/11/2022 tạm thời được tham gia nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đến ngày 31/12/2025.
Tuy nhiên, điều kiện kèm theo là vật liệu lồng bè đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được công bố tiêu chuẩn cơ sở hoặc hợp chuẩn, hợp quy theo quy định, đảm bảo chắc chắn, bền, có khả năng chống chịu với sóng, gió. Các chất khử trùng, tiêu độc và không ảnh hưởng đến cảnh quan, vệ sinh môi trường và không được sử dụng phao xốp trực tiếp hoặc bọc bằng bạt, lưới làm phao nổi.
Các bè phải thực hiện sửa chữa, bổ sung trang thiết bị đảm bảo một số các tiêu chuẩn, kỹ thuật theo nội dung của “Đề án nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà” được phê duyệt như: diện tích bè, số ô lồng nuôi, diện tích nhà chòi,…
Sau ngày 31/12/2025, với 15 bè đóng mới đồng bộ, nếu vẫn tiếp tục đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của đề án thì được xem xét tiếp tục tham gia nuôi trồng thủy sản trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Còn với các cơ sở khác chỉ được tiếp tham gia nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh khi thực hiện đầy đủ các nội dung theo đề án đã được phê duyệt năm 2022 và quy chuẩn về vật liệu sử dụng trong các bè nuôi trồng thủy sản tại Hải Phòng ban hành năm 2023.
Các hộ đã sửa chữa, đóng mới lồng bè theo phương án truyền thống, muốn được gia hạn đến năm 2025 cần đáp ứng được các tiêu chí sau:
Vật liệu lồng bè đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được công bố tiêu chuẩn cơ sở hoặc hợp chuẩn, hợp quy theo quy định; đảm bảo chắc chắn, bền, có khả năng chống chịu với sóng, gió, các chất khử trùng, tiêu độc và không ảnh hưởng đến cảnh quan, vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của Sở NN-PTNT Hải Phòng.
Không sử dụng phao xốp trực tiếp hoặc bọc bằng bạt, lưới làm phao nổi. Thực hiện sửa chữa, bổ sung trang thiết bị đảm bảo một số các tiêu chuẩn, kỹ thuật theo nội dung của đề án nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà được UBND TP Hải Phòng phê duyệt.
– Theo báo nongnghiep.vn – Đinh Mười