(TSVN) “Việc đưa công nghệ mới, giải pháp mới, cách nhìn mới trong nuôi biển cần phải có chiến lược, vì không chỉ phát triển cho ngư dân mà còn phát triển tổng hợp kinh tế & xã hội, đặc biệt là vấn đề môi trường biển. Hơn nữa, phát triển nuôi biển không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành thủy sản, của hệ thống khuyến nông, mà còn liên quan tới tất cả các cơ quan của Bộ NN&PTNT và các địa phương”. | |
Đây là ý kiến của ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Phát triển nuôi cá lồng bè trên biển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu” vừa được tổ chức tại Khánh Hòa. |
Hướng đi quan trọng
Tiềm năng nuôi hải sản trên biển của Việt Nam là rất lớn nhưng chưa khai thác được nhiều. Do vậy, nuôi biển là một trong những hướng đi quan trọng cho ngành thủy sản, cần được đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới
Nuôi hải sản trên biển có nhiều hình thức: nuôi lồng, nuôi bãi triều, nuôi dây cọc. Các đối tượng nuôi cũng rất phong phú, đa dạng như: cá biển, giáp xác, nhuyễn thể, rong biển. Trong đó, nuôi lồng được coi là một hình thức thông dụng, thích ứng và hiệu quả nhất với người nuôi biển gần và xa bờ. Hiện nay, hình thức nuôi lồng đang phát triển mạnh mẽ tại các địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Bà Rịa & Vũng Tàu.
Với sự quan tâm của Trung ương, của Chính phủ và Bộ NN&PTNT trong cách tiếp cận mới với biển, Đề án về phát triển NTTS trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021. Hiện, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT nghiên cứu làm thế nào để tiếp cận ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường một cách hài hòa nhất, lấy tinh thần giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng. Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo xuyên suốt các đơn vị của Bộ làm sao hình thành tư duy kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, thay vì tư duy sản xuất, sản lượng như trước kia.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia tham quan mô hình nuôi thủy sản tại Vạn Ninh (Khánh Hòa)
Theo ông Lê Quốc Thanh, việc đưa công nghệ mới, giải pháp mới, cách nhìn mới trong nuôi biển cần phải có chiến lược. Hiện nay, nuôi biển không thể theo hình thức cũ như từng ngư dân ra biển để nuôi, từng ngư dân đi bán sản phẩm hay từng ngư dân tìm giải pháp công nghệ; mà phải tổ chức lại sản xuất theo hình thức tổ chức HTX, tổ nhóm, hiệp hội hay các hình thức liên kết khác. Cùng với đó, phải kết nối với thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm nuôi biển…
Thông tin về kết quả một số mô hình nuôi cá lồng bè trên biển và giải pháp phát triển trong thời gian tới từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho thấy, mô hình nuôi cá mú trong lồng biển tại Quảng Ninh đem lại hiệu quả kinh tế tính cho 100 m3 lồng/vụ nuôi đạt trên 84 triệu đồng, nhờ tuyển chọn kỹ nguồn giống và đảm bảo quy trình chăm sóc. Cùng với đó, các mô hình nuôi cá hồng Mỹ trong lồng trên biển tại Hải Phòng, cho lợi nhuận đạt trên 110 triệu đồng. Có được kết quả này là nhờ nông dân chịu khó học hỏi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện tốt mô hình. Trong khi đó, mô hình nuôi cá giò trong lồng HDPE trên biển tại Quảng Ngãi và Khánh Hòa sau chu kỳ nuôi từ 12 tháng, cá đạt cỡ thương phẩm trên 5 kg/con, năng suất đạt trên 10 kg/m3, doanh thu cho một lồng nuôi trên 250 triệu đồng. Mô hình nuôi cá mú trân châu trong lồng HDPE trên biển tại Kiên Giang sử dụng phương pháp cho ăn bằng thức ăn cá tạp kết hợp thức ăn công nghiệp thời gian đầu cho kết quả cao đã khẳng định sự thích nghi của mô hình với điều kiện biến đổi khí hậu…
Nhiều thách thức
Những thách thức trong phát triển nuôi biển ở các tỉnh miền Trung là hầu hết có quy mô nhỏ, hộ gia đình, công nghệ lạc hậu, nuôi ở vùng ven bờ và còn quá ít doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển. Quy hoạch cũ về phát triển nuôi biển đã hết hiệu lực, nhưng quy hoạch mới chưa xong. Bên cạnh đó, hiện chưa tỉnh nào triển khai giao khu mặt nước lâu dài cho dân, dù đã có Nghị định của Chính phủ về vấn đề này từ tháng 11/2021. Ngoài ra, hiện Việt Nam chưa xây dựng được tiêu chuẩn trại nuôi trên biển…
Ông Lê Quốc Thanh Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn
Thực trạng lồng bè nuôi hiện nay chủ yếu bằng gỗ, tre nên chỉ cần gió cấp 7 đã gây thiệt hại. Tương lai nuôi biển vì vậy cần phải chuyển sang nuôi công nghiệp. Nhưng làm sao chuyển lồng bè gỗ sang lồng HDPE là câu chuyện cần phải bàn giải pháp.
Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa cho biết, ưu điểm lồng HDPE hơn hẳn lồng gỗ truyền thống là chịu được sóng gió, ít rủi ro. Khi nuôi lồng HDPE, cho năng suất đạt từ 15 – 20 kg/m3, còn lồng gỗ chỉ từ 7- 10 kg/m3. Hiện lồng HDPE với đường kính 10 m, tương đương thể tích 500 m3 có giá khoảng 180 triệu đồng; độ bền trên 20 năm, trong khi lồng gỗ chỉ 5 năm. Do đó, tính ra về chi phí đầu tư lồng HDPE sau 20 năm còn rẻ hơn lồng gỗ.
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Phát triển nuôi cá lồng bè trên biển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu” hơn 30 câu hỏi của ngư dân được các nhà quản lý, khoa học trả lời liên quan về vấn đề quy hoạch, xây dựng vùng nuôi; quản lý, tổ chức sản xuất; cấp phép, giao quyền sử dụng mặt nước; cơ chế chính sách hỗ trợ NTTS; vấn đề sản xuất, cung ứng giống, thức ăn, các công nghệ mới, kỹ thuật phòng dịch bệnh; công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ NTTS; liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nuôi biển…
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã đi thăm quan mô hình nuôi cá chim vây vàng và mô hình nuôi cá bớp bằng lồng nhựa HDPE có gắn camera và thiết bị định vị tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Đây là mô hình áp dụng công nghệ mới có nhiều ưu điểm nổi trội so với mô hình nuôi lồng gỗ truyền thống, đặc biệt là trong điều kiện sóng lớn, mưa bão.
Để tiềm năng thành thế mạnh
Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa cho biết, thời gian tới UBND các tỉnh sẽ tham mưu về đề xuất với Chính phủ, Bộ NN&PTNT nhiều giải pháp và chính sách cụ thể nhằm phát triển mở rộng nghề nuôi biển nói chung và nuôi lồng bè nói riêng. Bên cạnh đó, các tỉnh sẽ ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng về nghề nuôi biển nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế tại mỗi địa phương.
Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, Trung tâm Khuyến nông các địa phương cần tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh/thành phố để có các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển nuôi cá lồng bè bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề quy hoạch vùng nuôi, cấp quyền sử dụng mặt nước. Đối với các viện nghiên cứu, đề nghị nghiên cứu về giống, công nghệ sản xuất, thị trường, nhất là thị trường quốc tế cần loại sản phẩm nào để phát triển sản xuất phục vụ xuất khẩu. Các doanh nghiệp đề xuất đặt hàng các nội dung liên kết với hệ thống khuyến nông, HTX, nông dân để hợp tác cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm… Đối với HTX, ngư dân, cần tổ chức sản xuất một cách hiệu quả như xác định rõ đối tượng nào phù hợp để sản xuất, sản xuất bán cho ai, đồng thời liên hệ với doanh nghiệp để cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, năm 2021 cả nước có 9.000 ha diện tích nuôi biển, trong đó thể tích lồng nuôi là 4 triệu m3; sản lượng đạt 57.837 tấn. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển cả nước đạt 280.000 ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3; sản lượng đạt 850.000 tấn và đến năm 2030, diện tích 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 12 triệu m3; sản lượng 1,4 triệu tấn.
(theo thuysanvietnam.vn)